Gia đình trong sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ cộng đồng

Gia đình tồn tại cùng lịch sử loài người, gia đình là tế bào của xã hội, gia đình là chỗ dựa vững chắc cho sự nuôi dưỡng và chăm sóc, nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động sau những ngày lao động mệt mỏi. Gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sức khoẻ của mỗi cá nhân và cũng chính là tế bào của xã hội nên vai trò gia đình trong việc chăm sóc sức khoẻ  cộng đồng là không thể thiếu và vô cùng quan trọng. Nó là nhân tố đóng góp cho chất lượng cuộc sống, nơi sản sinh, nuôi dưỡng, giáo dục và chăm sóc con người từ khi còn trong bụng mẹ cho đến tuổi trưởng thành, thành nguồn lực xã hội. 

I. Mối quan hệ gia đình trong việc bảo vệ sức khoẻ.
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới “sức khoẻ là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất tinh thần và xã hội và không chỉ là không có bệnh hay khuyết tật”. Nói một cách cụ thể hơn sức khoẻ có thể chia ra:
- Phần thân: Sức khoẻ về thể chất.
- Phần tâm: Sức khoẻ về tinh thần.
Sự thống nhất về sức khoẻ giữa phần thân và phần tâm đều phải được coi trọng như nhau, không thể coi nhẹ phần nào trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ.
Với gia đình thì cả 2 phần này đều có ảnh hưởng rất lớn, vì gia đình là một môi trường xã hội thu hẹp, gia đình là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục xây dựng các hành vi lối sống đầu tiên của con người. Có thể tạm chia cuộc sống của con người ra làm 3 giai đoạn như sau:
- Tuổi trẻ từ 0 đến 18 tuổi.
- Trưởng thành từ 18 tuổi đến 60 tuổi
- Tuổi già từ 60 tuổi trở lên.
1. Từ 0 đến 18 tuổi:
Đây là gia đoạn chịu ảnh hưởng rất lớn của gia đình: Ngay từ trong bụng mẹ, việc giáo dục chăm sóc nuôi dưỡng rất cần thiết (chỉ nói riêng về phần ăn, cũng cần phải biết ăn như thế nào để cho thai nhi phát triển toàn diện, rồi vấn đề sử dụng thuốc, vấn đề bảo vệ thai nhi trong bụng mẹ… khi đứa trẻ sinh ra được sự chăm sóc của gia đình, nuôi dưỡng, chăm sóc để cho đứa trẻ sau này phát triển trở thành người công dân tốt…). Do đó việc giáo dục lối sống, cách sống để hình thành các hành vi có lợi cho sức khoẻ như: ăn uống, sinh hoạt, vệ sinh hằng ngày, vệ sinh cá nhân, rèn luyện thân thể, nếp sống, tư thế ngồi học… rất ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ và sức khoẻ lâu dài.
2. Giai đoạn trưởng thành (từ 18 tuổi đến 60 tuổi)
Ở giai đoạn này tuy đã được hình thành một số hành vi lối sống, nếp sống của gia đình, song do cuộc sống lao động và hình thành các gia đình hạt nhân mới, nên việc bổ sung thêm các kiến thức cho cuộc sống, lối sống công việc, gia đình nhỏ bé này vẫn phải tự hoàn thiện bổ sung để tích luỹ thêm đảm bảo tái tạo sức lao động, sức khoẻ sinh sản, tập luyện, học tập, vui chơi giải trí để phòng bệnh tật, sống có trách nhiệm… để giúp cho cuộc sống, gia đình có chất lượng hơn.
3. Giai đoạn từ 60 tuổi trở lên.
Đây là giai đoạn bắt đầu bước vào sự lão hoá cơ thể, đó là quy luật tất yếu của cuộc sống: “sinh – lão – bệnh – tử” sớm hay muộn ai cũng phải trải qua. Già không phải là một bệnh mà chỉ là điều kiện cho bệnh tật phát triển mà thôi. Ở giai đoạn này, vai trò gia đình là rất quan trọng, gia đình luôn là môi trường gần gũi, gắn bó, chăm sóc, quan tâm… vì ở giai đoạn này cơ thể có sự lão hoá, sự lão hoá này xảy ra từ từ, các bộ phận trong cơ thể đều giảm thiểu, mọi nhu cầu cần cho cuộc sống chỉ ở mức thấp, do đó chăm sóc của gia đình lúc này không phải chỉ là bảo vệ sức khoẻ đơn thuần mà phải biết lựa chọn các phương pháp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ đề phòng bệnh tật, ăn uống, tập luyện, vui chơi, chăm sóc là điều rất quan trọng mà vai trò gia đình đóng góp một phần rất lớn. Việc chăm lo phần thể chất không thể thiếu, song chính gia đoạn này, các thế hệ trong gia đình quan tâm chăm sóc về sức khoẻ tinh thần: “lời chào cao hơn mâm cỗ” để tạo ra một môi trường sống vui vẻ, giao tiếp, ăn uống, tập luyện cho phù hợp với sức khoẻ, giúp người cao tuổi nâng cao tuổi thọ, sống vui, sống khoẻ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
II. Vai trò của gia đình trong việc giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.
Gia đình có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống của mỗi cá nhân,vai trò của gia đình trong việc giáo dục chăm sóc sức khoẻ cho các thành viên trong gia đình nói riêng và trong cộng đồng là rất quan trọng và không thể thiếu.
1. Công tác giáo dục.
Giáo dục về hành vi lối sống có lợi cho sức khoẻ ngay từ khi còn nhỏ đến khi trưởng thành và phải biết tự chịu trách nhiệm về mọi hành vi không có lợi cho sức khoẻ, thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau: Ý thức vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt, bảo vệ môi trường, lối sống khoa học, lành mạnh, tập luyện năng lực thể lực, ý thức biết tự bảo vệ bản thân, đề phòng bệnh tật. Luôn tìm hiểu nâng cao kiến thức về bệnh tật để nâng cao chất lượng lối sống, chất lượng cuộc sống.
2. Công tác chăm sóc.
Gia đình là một tổ ấm là chỗ dựa vững chắc cho con người, giúp con người phát huy được những tiềm năng sẵn có. Do vậy gia đình có trách nhiệm chăm sóc để con người được khoẻ mạnh có lối sống, nếp sống tốt để chăm lo bảo vệ sức khoẻ cho các thành viên trong gia đình, cũng là việc chăm lo bảo vệ sức khoẻ cộng đồng xã hội.
- Chăm lo cho mọi đối tượng trong gia đình xây dựng ý thức tự chủ, tự chăm sóc bản thân, chủ động phòng bệnh tật.
- Biết cách tự lựa chọn phương pháp tập luyện, ăn uống, sinh hoạt, học tập, vui chơi phù hợp với bản thân để nâng cao thể lực.
- Khi gia đình có thành viên bị ốm đau, bệnh tật biết động viên chăm sóc để vượt lên bệnh tật, hỗ trợ cho việc chiến thắng bệnh tật.
- Phát hiện sớm bệnh tật để điều trị, kéo dài tuổi thọ.
- Xây dựng ý thức sống trong gia đình biết quan tâm chăm sóc, đó là một hành vi tốt giúp cho việc sức khoẻ “phần tâm” tốt hơn (sức khoẻ tinh thần).
Vai trò gia đình trong việc giáo dục bảo vệ chăm sóc sức khoẻ là vô cùng quan trọng nên cần phải có một kế hoạch cụ thể phối hợp với nhiều ngành, đoàn thể. Cần điều tra, khảo sát đánh giá vai trò gia đình trong việc giáo dục chăm sóc sức khoẻ, giúp công tác giáo dục truyền thống tốt để gia đình hiểu rõ. Bảo vệ sức khoẻ cho từng thành viên trong gia đình thế hệ trước giúp xây dựng cho thế hệ sau, xây dựng một lối sống, một nếp sống có lợi cho sức khoẻ đó chính là gia đình đã góp một phần quan trọng cho chất lượng cuộc sống, chất lượng nòi giống, xây dựng một cộng đồng khoẻ mạnh, một xã hội văn minh và giàu đẹp.
Bs. Trần Thị Dung

1 comment:

  1. Cảm ơn admin đã chia sẽ bài viết khá hay về chăm sóc sức khỏe trong mối quan hệ gia đình
    Nang mui han quoc gia bao nhieu tai hcm

    ReplyDelete

Powered by Blogger.