Sự cô đơn làm tăng nguy cơ đột quỵ và bệnh tim

Những người sống cô đơn hay cô lập dễ tăng nguy cơ suy giảm hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể, dễ mắc huyết áp cao hơn những người bình thường khác. 
Cuộc sống cô đơn có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim

Một công việc quá căng thẳng và lo lắng từ lâu đã được công nhận là yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành và đột quỵ, điều này đã rõ qua nhiều công trình nghiên cứu và mọi người cũng đã có ý thức để phòng tránh các yếu tố nguy cơ vừa nêu nhằm bảo vệ cho sức khỏe của mình.

Vừa qua, một nghiên cứu trên Tạp chí Tim mạch (The Journal Heart) cho thấy sự cô đơn và cô lập cũng nguy hiểm không kém các yếu tố nguy cơ nêu trên.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 23 nghiên cứu liên quan đến hơn 180.000 người trưởng thành trong thời gian từ 3 đến 21 năm. Nghiên cứu cho thấy rằng sự cô đơn hoặc cô lập xã hội có liên quan nguy cơ cao với 29% của bệnh động mạch vành và nguy cơ cao với 32% bị đột quỵ.

Nghiên cứu này không chứng minh rằng sự cô đơn hoặc cô lập xã hội gây ra những những bệnh lý này, nhưng sự cô đơn hoặc cô lập xã hội có liên quan rõ với suy giảm hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể, huyết áp cao và thậm chí tử vong sớm.

Cách tốt nhất để chống lại sự cô đơn hoặc cô lập xã hội: tăng khả năng và mật độ tiếp cận với những người thân yêu và bạn bè, làm tình nguyện viên tại một tổ chức từ thiện địa phương, tham gia vào một cộng đồng tâm linh, hoặc thuê mướn một người bạn để tâm sự chẳng hạn. 
TS.BS. Lê Thanh Hải
(Tham khảo Harvard Health Publications)

--------------

Sự cô đơn, bị cô lập xã hội tăng nguy cơ tim mạch vành, đột quỵ 32%

Mới cách đây vài ngày chúng ta nghe các nhà khoa học nói việc chia tay người yêu có thể tăng nguy cơ rung tâm nhĩ, loạn nhịp tim thì bây giờ, họ tiếp tục phát hiện rằng việc cô đơn một mình (có thể là một trong những hệ quả của chia tay người yêu) cũng gây nên những ảnh hưởng cực kỳ xấu cho sức khỏe tim mạch, tăng tỷ lệ mắc bệnh tim mạch vành và đột quỵ.
Sự cô đơn, bị cô lập xã hội tăng nguy cơ tim mạch vành...

Trong nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí sức khỏe tim mạch, các nhà khoa học Anh đã phân tích dữ liệu từ 23 nghiên cứu trước đây với sự tham gia của 181.006 người ở cả 2 giới nam và nữ từ 18 tuổi trở lên. Kết quả cho thấy có 4.628 ca tim mạch vành và 3.002 ca đột quỵ xảy ra sau trong cuộc đời người mỗi người ở giai đoạn từ 3 đến 21 năm sau đó. 3 nghiên cứu trước đây đã đo lường sự cô đơn của con người, 18 nghiên cứu khác theo dõi sự xa rời xã hội của mỗi người và 2 nghiên cứu khác theo dõi cả 2 tiêu chí này.

Một bảng câu hỏi được đặt ra yêu cầu các tình nguyện viên trả lời nhằm xác định tình hình cô lập xã hội và sự cô đơn của mỗi người. Mặt khác, các nhà nghiên cứu theo dõi hồ sơ y tế và giấy chứng tử của những đối tượng này để xác định tình trạng bệnh tim mạch vành và đột quỵ. Cuối cùng, họ phát hiện rằng sự cô đơn và cô lập xã hội làm tăng nguy cơ trụy tim, đau thắt ngực và tử vong do suy tim lên tới 29%. Đồng thời tỷ lệ đột quỵ tăng lên 32%. Hiệu ứng này xảy ra ở cả 2 giới nam và nữ.

Người dẫn đầu nghiên cứu, giáo sư Nicole K. Valtorta tại Đại học York, Anh Quốc cho biết: "Người ta thường có xu hướng tập trung vào quan điểm nhắm tới những người cô đơn để giúp họ có thêm những kết nối trong cộng đồng. Tuy nhiên nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng nếu đây là một yếu tố nguy cơ thì chúng ta cần phải cố gắng ngăn chặn nó ở nơi đầu tiên để ngăn chặn triệt để các tác hại có thể xảy ra đối với sức khỏe tim mạch."

Tham khảo Nytimes, BMJ
------------

Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ

Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là một bệnh lý rất nguy hiểm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 sau bệnh lý tim mạch và ung thư.

Mỗi năm, tại Việt Nam có thêm 200.000 người bị đột quỵ, 104.000 người tử vong vì đột quỵ. Có 2 nhóm yếu tố nguy cơ gây đột quỵ:

1. Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi: Bao gồm tuổi tác (đa số gặp trên 45 tuổi), giới tính (nam gặp nhiều hơn nữ), chủng tộc, di truyền...

2. Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi:

- Tăng huyết áp: Nếu huyết áp tối đa (tâm thu)>=140 mmHg và/hoặc huyết áp tối thiểu >=90 mmHg. Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ đột quỵ não hàng đầu, chiếm hơn 70% tổng số trường hợp đột quỵ. Huyết áp tăng cao gây tổn thương thành mạch máu, tạo các điểm yếu ở thành mạch. Các điểm yếu bị tổn thương tiến triển nặng dần theo thời gian và đến một lúc nào đó vỡ ra gây đột quỵ xuất huyết não.

- Đái tháo đường (ĐTĐ): ĐTĐ gây tổn thương toàn bộ hệ thống động mạch (kể cả động mạch não). ĐTĐ làm tăng tỉ lệ mắc đột quỵ từ 2-6,5 lần, tăng tỉ lệ tử vong lên 2 lần.

Triệu chứng biểu hiện bệnh ĐTĐ ở giai đoạn sớm thường rất mờ nhạt hoặc hầu như không có gì. Một số ít bệnh nhân có biểu hiện ăn nhiều, uống nhiều, gầy sút cân nhanh. Vì vậy, mọi người trên 40 tuổi nên định kỳ xét nghiệm đường máu để có thể phát hiện bệnh sớm nếu có.

- Rối loạn lipid máu (RLLM): Khi hàm lượng lipid trong máu quá cao là điều kiện thuận lợi để lipid ngấm vào và lắng đọng ở thành mạch máu. Đây là giai đoạn đầu tiên của quá trình hình thành mảng vữa xơ động mạch.

- Xơ vữa động mạch: Mảng vữa xơ trong lòng động mạch sẽ làm chít hẹp dần lòng mạch, có thể gây tắc mạch. Nhiều trường hợp mảng vữa xơ bong ra, trôi theo dòng máu đến gây tắc ở vị trí mạch máu khác. Vì vậy cần điều trị ổn định mảng vữa.

- Béo phì: Béo phì là yếu tố thuận lợi gây tăng huyết áp, rối loạn lipid và tăng glucose máu. Tất cả yếu tố này kết hợp lại sẽ làm tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch.

- Hút thuốc lá: Gây tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn nhịp tim, đột quỵ.

- Uống rượu nhiều: Gây tăng huyết áp, xơ vữa động mạch. Ngoài ra, uống rượu nhiều trong một thời gian dài có thể gây tổn thương gan, suy gan gây rối loạn đông máu.

- Phình động mạch não: Là nguyên nhân tương đối phổ biến gây đột quỵ chảy máu não ở người trẻ tuổi. Phình động mạch não gặp ở 1%-2% dân số. Khoảng 10% bệnh nhân bị vỡ phình động mạch não tử vong trước khi đến bệnh viện.

Trên thành mạch máu ở một số người có những điểm yếu. Những điểm yếu này chịu tác động thường xuyên của huyết áp sẽ giãn dần ra tạo thành một túi phình, gọi là phình động mạch. Phình động mạch rất dễ vỡ. Khi vỡ phình động mạch ở não gây chảy máu não.

Phình động mạch thường diễn biến âm thầm không triệu chứng. Trong vòng 2-3 ngày trước khi phình động mạch não vỡ, khoảng 1/2 số bệnh nhân có triệu chứng đau đầu đột ngột và rất dữ dội. Sau đó triệu chứng đau đầu giảm dần.

- Dị dạng động - tĩnh mạch não: Là bệnh bẩm sinh, hình thành một đám rối mạch máu bất thường trong não, nối thông động mạch và tĩnh mạch não. Ở vị trí dị dạng, mạch máu dị dạng có hình dạng và cấu trúc bất thường, rất dễ bị vỡ gây chảy máu não. Đa số có diễn biến âm thầm. Ở một số ít bệnh nhân có biểu hiện co giật, động kinh, đau đầu kéo dài.

Bệnh tim: Bệnh van tim (hẹp van 2 lá, hở van 2 lá, hở van động mạch chủ), rối loạn nhịp tim (rung nhĩ, cuồng nhĩ, nhịp nhanh kịch phát trên thất). Ở các bệnh này, máu dễ vón cục tạo cục máu đông trong tâm nhĩ, dẫn đến tắc mạch não gây đột quỵ. 
Bác sĩ Ngô Văn Tuấn

No comments

Powered by Blogger.