Làm sao để gia đình ổn định khi hội nhập và kinh tế phát triển?

Hiện nay có ý kiến cho rằng hình ảnh gia đình truyền thống đang bị mai một. Thời thiếu thốn, khốn khó, gia đình quây quần, đầm ấm, nay khấm khá dư dả, gia đình trở nên mong manh, dễ vỡ; số vụ li hôn xảy ra ngày một nhiều hơn, phổ biến hơn. Điều khiến nhiều người băn khoăn là: Làm sao hài hòa, cân bằng được ước muốn giàu có, thành đạt mà vẫn giữ được những nếp sống tưởng chừng nhỏ nhặt, tinh tế nhưng đầy tình thương trong một mái ấm gia đình?




Ảnh minh họa
Người xưa nói, dù là vua chúa hay anh dân cày, người hạnh phúc nhất là người tìm được sự yên ấm dưới mái nhà của mình. Bác Hồ đã khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Thấm nhuần quan điểm này nên một trong 5 nội dung của Đề án Phát triển nhân lực là: “Góp phần phát triển gia đình bền vững trong hội nhập quốc tế”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nói tại Hội nghị Ban chấp hành trung ương lần thứ II của Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam (ngày 12-3-2011) về Đề án Phát triển nhân lực đang được soạn thảo. Trong bài nói chuyện đó phần nói về gia đình với những câu chuyện kể sinh động được nhiều người nghe rất tâm đắc.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chất lượng con người gắn với quy mô phát triển là rất quan trọng; Thủ tướng đang chỉ đạo chúng tôi làm Đề án Phát triển nhân lực bao gồm 5 nội dung:
1. Quy hoạch phát triển nhân lực, số lượng, chất lượng nhân lực các vùng miền – đây là vấn đề bao năm qua chưa làm. Vừa qua, chúng ta hỏi vốn đâu mà phát triển? đất đâu mà phát triển? nhưng các địa phương chưa hỏi người đâu mà phát triển? Bây giờ phải làm rõ vấn đề này.
2. Chiến lược giáo dục đào tạo, chiến lược dạy nghề.
3. Chiến lược nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam.
4. Góp phần phát triển gia đình bền vững trong hội nhập quốc tế.
5. Phát triển và phát huy văn hóa Việt Nam
Trong 5 nội dung trên, chúng tôi muốn đi sâu vào vấn đề gia đình. Phó Thủ tướng kể lại, khi ông sang Mỹ họp có nghiên cứu về Hiến pháp Mỹ, hiến pháp của họ không có 2 điều mà Hiến pháp Việt Nam có ghi đó là:
- Không có câu: Gia đình là tế bào xã hội.
- Không có câu: Nam nữ bình đẳng.

Xã hội Việt Nam có truyền thống gia đình nên chúng ta thấy vấn đề này bình thường, nhưng nếu không có sự quan tâm đặc biệt thì vai trò tế bào xã hội của gia đình không phải lúc nào cũng đảm bảo.
Năm 1993, báo Mỹ có viết: 30 năm nữa sách giáo khoa của Mỹ phải sửa. Không biết họ sửa cái gì? Đọc thêm thì họ ghi: câu Em đi học về, em gặp bố mẹ không đúng nữa phải sửa; Vì 30 năm nữa em đi học về nhà không gặp cả bố lẫn mẹ nữa mà chỉ gặp bố hoặc mẹ thôi vì họ đã li dị nhau rồi!

Một số nước như: Phần Lan có 40% dân số không lấy vợ, lấy chồng; Thụy Điển, Cộng hòa Liên bang Đức có 35-37% dân số không lập gia đình; Nhật Bản có 30% không lấy vợ, lấy chồng. Ông lại kể tiếp: Cách đây một năm tôi sang Nhật, trong giờ nghỉ tôi đi dạo chơi quanh Công viên Hoàng Gia, tôi hỏi chuyện một ông bảo vệ khoảng 40 tuổi – Ông có vợ chưa? Ông cười rất tươi trả lời – Tôi lấy vợ cách đây mấy năm rồi. Cùng đi bộ một đoạn đường, tôi hỏi tiếp – Thế có mấy con? Ông ta rất buồn trả lời – Khi lấy vợ, vợ ra điều kiện lấy nhau nhưng không có con. Vì họ cho có con là một gánh nặng. Như vậy gia đình không còn là tế bào của xã hội nữa, không làm chức năng tái tạo con người cho dân tộc. Đó là điều phải suy nghĩ; nếu thu nhập càng cao lẽ ra có điều kiện phát triển gia đình thì xu hướng ngược lại thu nhập càng cao thì tỷ lệ gia đình càng giảm; chúng ta phải phòng ngừa xu hướng này.

Gia đình chính là cái nôi để tái tạo con người, là cái nôi để duy trì truyền thống văn hóa dân tộc, gia đình là nhà trường đầu tiên của trẻ em và cũng là trường học suốt đời. Thực ra gia đình vẫn có vai trò trường học suốt đời: ông bà có thể dạy cho cháu, còn bố mẹ sau này có thể học ở con, như tôi kém máy tính hơn con, nó hướng dẫn lại cho mình. Cho nên gia đình là trường học suốt đời cho các thế hệ; điều này duy trì được là rất tốt. Và không thể phủ nhận gia đình là tổ ấm hạnh phúc của mọi lứa tuổi. Ngày nay gia đình còn là đơn vị tế bào của y tế dự phòng cho trẻ em và cả người lớn tuổi.

Những câu chuyện Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu lên khiến chúng ta thấy sâu sắc thêm gia đình có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển của xã hội, góp phần xây dựng, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hoá dân tộc; là nơi giữ gìn, vun đắp, phát huy những giá trị truyền thống quý báu của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã được hình thành trong quá trình lịch sử là lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách. Xã hội hiện đại có xu hướng tôn trọng bản sắc cá nhân. Nếu từng cá nhân biết làm tốt mình và lựa chọn cách ứng phó những biến động của đời sống một cách bản lĩnh và điềm tĩnh thì sẽ khiến cho nền tảng gia đình khó bị lung lay.
Lan Anh

No comments

Powered by Blogger.