Cây chóc - tiêu thực tích hóa đàm ẩm

Cây chóc, còn có tên gọi là cây củ chóc, cây chóc chuột. Tên khoa học: Typhonium divaricatum Decne.Thuộc họ Ráy. Chóc là loại cây thân ngầm phát triển thành củ. Củ hình cầu nho nhỏ như củ khoai sọ. Một củ cái thường sinh kèm một vài củ con. Lá mọc trên đầu củ cái gồm những bẹ ôm sát nhau, nhô khỏi mặt đất, cuống lá thu nhỏ lại vươn cao thường gọi là dọc, xốp và mềm, đỡ cho phiến lá rộng. Điểm đầu cuống lá là phần lá chung lan tỏa ra một chút thì phiến lá rách ra thành 3 nhánh, nhánh giữa rộng bản, hai nhánh bên hẹp hơn ngả sang ngang cân đối. Cuống hoa mọc từ thân (củ) vươn khỏi mặt đất một đoạn ngắn, hoa kết thành bầu nhỏ, trên bầu là phần trần nhỏ, dài, vót lại vươn lên cao, thoang thoảng mùi thơm nhè nhẹ…

Chóc là cây mọc hoang dại, ưa đất ẩm ướt. Khi thu hái về người ta cắt bỏ phần lá nhô trên mặt đất và rễ, lấy củ bào chế dùng làm thuốc. Củ chóc có lớp vỏ mỏng mầu nâu đen, trong là tinh bột màu trắng ngà với nhiều nhựa dính, nhớt và ngứa. Củ chóc chia làm hai loại: Củ cái( củ to) gọi là nam tinh, củ con( củ nhỏ) gọi là bán hạ. Củ chóc có độc nên khi làm thuốc phải bào chế công phu.

Bào chế bán hạ có nhiều cách nhưng thông dụng nhất là cách bào chế sau:
Bán hạ, xát sạch vỏ ngâm nước 2-3 ngày. Mỗi ngày thay nước một lần(Có thể ngâm nước sôi cho chóng sạch nhớt). Bán hạ vớt ra, thái nhỏ rồi nấu với cam thảo và bồ kết. Cứ 1Kg bán hạ, 100g bồ kết, 100g cam thảo. Đổ nước ngập sâu, đun cạn nước đổ ra phơi, sao vàng dòn( nếu bán hạ còn đốm trắng thì nấu lại cho thật trong mới đổ ra phơi).

Bào chế nam tinh: Nam tinh xát sạch vỏ, ngâm nước như bán hạ. Nam tinh phơi khô, tán bột. Lấy mật bò (không dùng mật trâu) tương đương với bột nam tinh, trộn đều rồi nhồi vào túi mật, buộc lại treo lên giàn bếp cho khô (trung bình 6 tháng là khô). Sau đó lại tiếp tục làm như vậy 3-4 lần nữa là dùng được.
Theo Đông Y, bán hạ (chế) có vị cay, tính ôn, vào hai kinh tỳ vị, có tác dụng kiện tỳ, táo thấp, tiêu đàm, giáng khí nghịch, chỉ ẩu thổ dùng để chữa các chứng tỳ hư kém ăn, ho đàm tích, khí nghịch, tức ngực, khó thở, nôn ói….
Nam tinh có vị cay, đắng, tính ôn, có độc vào ba kinh: Phế, can, tỳ có tác dụng giáng khí nghịch, tiêu đàm, tích trệ, chỉ ẩu thổ, dùng chữa chứng phong đàm trào ngược, đàm rãi dầm dề, miệng méo, mắt xếch..

Những phương thuốc có vị bán hạ, nam tinh
1-Phương BẢO HÒA HOÀN (Lý Đông Viên)
Chủ trị: Thực tích, bụng trướng đầy, đàm ẩm, kém ăn, chậm tiêu
Sơn tra 120g; Thần khúc 40g; Phục linh 40g; Bán hạ (chế) 40g; Trần bì (sao) 40g; La bạc tử (sao) 40g; Liên kiều 40g. Tất cả tán bột, quấy hồ hoàn viên bằng hạt đậu đen. Ngày uống 30 viên, chia làm 3 lần uống vào lúc đói, chiêu bằng nước sắc mạch nha.
Kiêng các chất tanh, béo, sống, lạnh, khó tiêu, gây ho.
2- Phương NHỊ TRẦN THANG( Cổ phương)
Chủ trị: Ho hen, ngực đầy tức, nôn ói, nhiều đờm rãi
Bán hạ (chế) 12g; Phục linh 8g; Trần bì (sao) 6g; Chỉ thực 4g; Sinh khương 3-5 lát
Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần, uống xa bữa ăn 30 phút, uống lúc thuốc còn ấm nóng.
Kiêng các chất kích thích, các chấy gây ho, thuốc lá, thuốc lào.
3- Phương THANH CHÂU BẠCH HOÀN TỬ (Cổ phương)

Chủ trị chứng phong đàm
Nam tinh 80g; Bạch phụ tử 80g; Bán hạ 270g, Xuyên ô 20g( Các vị bạch phụ tử, bán hạ, xuyên ô đều để sống ). Tán nhỏ, cùng nam tinh trộn đều cho vào túi vải, chà nước cho ra bột. Bột ấy đựng vào bình sành sứ, ngày phơi nắng, đêm phơi sương. Mùa hạ phơi 2 ngày, mùa xuân phơi 5 ngày, mùa thu phơi 7 ngày, mùa đông phơi 10 ngày. Nấu hồ nếp hoàn làm viên bằng hạy đậu xanh. Ngày uống 20 viên chia làm 2 lần, chiêu bằng nước gừng. Nếu chân tay bại liệt chiêu bằng rượu, nếu kinh phong chiêu bằng nước sắc bạc hà.
Kiêng các chất tanh, béo, khó tiêu, tích trệ, các chất kích thích gây nôn. n
L.Y Nguyễn Văn Hiếu (Hội Đông Y TP Hải Dương)

No comments

Powered by Blogger.