Người có công di thực loài hoa quý về Việt Nam

Ai đến Đà Lạt cũng ngạc nhiên, thích thú với những cây hoa phượng tím khoe sắc rực rỡ trên đường phố và công viên của thành phố mộng mơ này.Năm 2006, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận Đà Lạt là nơi đầu tiên trồng phượng tím ở Việt Nam. Thành phố hoa phượng tím khiến nơi đây bao năm qua đã trở thành điểm hẹn lãng mạn của các đôi tình nhân.

Người có công đưa phượng tím gốc châu Mỹ về trồng ở TP. Đà Lạt năm 1962 là kỹ sư Lương Văn Sáu (sinh năm 1942, quê quán Tịnh Biên, Châu Đốc, An Giang, tốt nghiệp trường Canh nông Versailles, Pháp), Hội viên Hội Hoa hồng nước Pháp.Ông Lương Văn Sáu là một trong số những người đầu tiên thiết lập nên Công viên hoa Đà Lạt. Tất cả các loài hoa quý trong vườn hoa đều có công tìm kiếm, di thực của ông - người theo đuổi suốt đời với những loài hoa thân mộc.

Phượng tím có tên khoa học là Jacaranda acutifolia thuộc họ Bignoniaceae, khác họ với phượng đỏ ở Việt Nam. Cây Phượng tím nguyên sản ở Brasil (có tài liệu cho là ở Bôlivia), trồng rộng rãi ở các nước Nam Mỹ, Châu Phi và Châu Đại Dương, để làm cây cảnh ven đường và trong các công viên. Năm 1962, sau khi tốt nghiệp, kỹ sư Lương văn Sáu mang hạt giống phượng tím về nước, gieo ươm rồi mang nhiều cây con trồng trên đường phố trước chợ Đà Lạt (đường Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay).Mặc dù được chăm sóc chu đáo nhưng chỉ có 1 cây sống sót, nở hoa màu lam tím, lá kép hai lần và dáng hoa giống hoa phượng nên người địa phương gọi là phượng tím.“Điều nan giải là cây ra hoa nhưng không cho quả, không có khả năng sinh sản tự nhiên. Chàng kỹ sư trẻ chuyển sang áp dụng phương pháp chiết cành để tạo cây “con” từ cây “mẹ” nhưng trồng nhiều mà chỉ có một cây sống sót. Đến năm 1994, sau hơn ba chục năm không ngừng thực nghiệm và học hỏi qua sách báo, KS Sáu đã thành công việc nhân giống bằng biện pháp chiết cành với bí quyết dùng một loại hoá chất  kích thích việc mọc rễ; đồng thời có chế độ chăm sóc đặc biệt đối với cây con để tránh một số bệnh do ký sinh. Sau ông cũng đã có nhiều cán bộ nghiên cứu ở Đà Lạt nghiên cứu nhân giống phượng tím.

Từ đầu năm 2005 đến nay, không chỉ “Vương quốc hoa” Đà Lạt rực rỡ những con đường hoa tím mà ở đường Tô Hiến Thành (Khánh Hòa) và đại lộ Hòa Bình (Cần Thơ), người địa phương và du khách cũng bắt đầu được chiêm ngưỡng sắc hoa lạ. Ngay ở Hà Nội cũng đã có phượng tím ở công viên Bách Thảo.
Một loài hoa lạ khác mà KS Sáu cất công di thực từ nước ngoài về là cây chuông vàng (tên khoa học Spathodea campanulata Bean) có nguồn gốc từ Châu Phi. Đây cũng là loài hoa thân mộc cao lớn, lá xanh gần giống lá muồng, hoa giống như quả chuông, màu vàng pha cam, mỗi chùm từ 40 – 50 bông. Cây chuông vàng đầu tiên được KS. Sáu trồng ở Trảng Bom (Tây Ninh), sau đó chiết một cây tặng cho chùa Quán Thế Âm (đường Bà Huyện Thanh Quan, Đà Lạt). Việc nhân giống loài cây này cực kỳ khó bởi cần có loài chim đặc biệt với chiếc mỏ cong để đưa phấn vào đài hoa, thế nhưng Việt Nam không có loài chim này. Bởi thế từ khi được trồng (năm 1963) cho đến mấy chục năm sau, đây vẫn là cây chuông vàng duy nhất ở Đà Lạt. KS Sáu còn sưu tầm loài hoa quý thuộc họ châu vông có nguồn gốc từ Trung Đông và châu Úc với tên khoa học là Erythrina cristagalli l. Ông đã đặt tên cho loài hoa này là vông kê và trồng ở cổng sau khách sạn Sofitel Dalat Palace, Đà Lạt. Một loài hoa độc đáo  phải kể đến nữa là sen núi, hoa màu trắng tinh khôi với nhụy vàng tươi tỏa hương thơm thanh khiết. Dáng hoa tương tự như hoa sen trong ao hồ của Việt Nam nhưng cánh hoa dầy và thơm hơn. Điều lạ là những đóa sen này không vươn lên từ mặt hồ mà khoe sắc trong tán lá xanh trên những cây thân gỗ cao lớn. Cây sen lạ này làm người ta nhớ đến câu ca dao “Hôm qua tát nước đầu đình ; Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen“.

KS Sáu bị câm vì mắc bệnh hiểm nghèo vào tuổi tứ tuần nhưng ông vẫn tiếp tục nghiên cứu và truyền những bí quyết và công thức nhân giống loài hoa khó tính cho một số kỹ sư với hy vọng phát triển loài hoa này ở Việt Nam. Ông đã ra đi cách đây 6 năm nhưng những cây hoa cổ thụ, những loài hoa lạ  ông để lại đã tạo nên nét độc đáo cho xứ hoa Đà Lạt.

Diệu Linh (www.http://bantinsuckhoe.com)

No comments

Powered by Blogger.