Cách phòng tránh ngộ độc từ thức ăn

Tỷ lệ ngộ độc thức ăn không do nhiễm vi khuẩn hiện nay tuy không nhiều nhưng cũng vẫn xảy ra do chúng ta không biết rõ nguyên nhân từ đâu.

Hàng ngày chúng ta sử dụng nhiều thực phẩm để cung cấp nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể vì thế việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cũng hết sức quan trọng. Những chất gây độc sẽ tình cờ nhiễm trong quá trình nuôi trồng chế biến hoặc đôi khi do cả sự thiếu hiểu biết của con người. Mặt khác bản thân thực phẩm cũng có thể chứa các thành phần gây độc dù rất nhỏ. Tỷ lệ ngộ độc thức ăn không do nhiễm vi khuẩn hiện nay tuy không nhiều nhưng cũng vẫn xảy ra do chúng ta không biết rõ nguyên nhân từ đâu. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi muốn nêu một số trường hợp thường gặp để bạn đọc hiểu rõ và đề phòng.

Ngộ độc thức ăn có chứa chất độc tự nhiên 
Ngộ độc mật cá trắm 
Một số dân tộc ở châu Á có thói quen sử dụng mật cá để chữa bệnh vì họ nghĩ rằng mật cá có tác dụng nâng cao sức khoẻ, chữa được một số bệnh mạn tính như hen phế quản, đau lưng, viêm đại tràng. Th ực tế, các loại mật cá (cá trắm, cá trôi, cá mè) đều có thể gây ngộ độc. Người ta thường nuốt sống cả túi mật hoặc pha với nước, rượu, mật ong. Cá càng to thì khả năng gây ngộ độc càng nhiều. Sau khoảng 2 – 3 giờ sau khi nuốt mật cá trắm, xuất hiện các triệu chứng: buồn nôn, nôn, đau bụng dữ dội; sau đó tiêu chảy, đôi khi có máu. Đồng thời có các dấu hiệu toàn thân: bệnh nhân rất mệt nằm liệt giường, đau khắp người, chóng mặt, toát mồ hôi. Bệnh nhân có thể xuất hiện đái ít hoặc không có nước tiểu ngay ngày đầu tiên. Sau hai ngày có thể xuất hiện vàng da, vàng mắt, đau tức vùng gan. Bệnh nhân tử vong chủ yếu là do phù phổi cấp, phù não hoặc tăng kali máu do suy thận cấp. Nếu bệnh nhân vừa uống mật cá trong vòng 30 phút thì tiến hành gây nôn, cho uống than hoạt nếu bệnh nhân tỉnh táo, tự uống được, sau đó đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Ngộ độc sắn và măng tươi 
Ngộ độc sắn và măng tươi chính là ngộ độc cyanid có trong sắn và măng tươi, còn gọi là axít hydrocyanic. Người bị ngộ độc sắn và măng tươi do rửa và ngâm không kỹ, ăn cả vỏ hoặc luộc sắn còn cả vỏ. Ngộ độc nặng hơn ở trẻ em, người suy dinh dưỡng đặc biệt là ăn sắn khi đói và ăn nhiều.
Đầu tiên có cảm giác nóng lưỡi, họng, đau đầu, chóng mặt, kích thích, đau bụng, buồn nôn, thở nhanh sâu, tím. Nặng hơn có rối loạn ý thức, hôn mê, ngừng thở, tụt huyết áp, co giật. Các triệu chứng xuất hiện nhanh từ 30 phút –1 hoặc 2 giờ sau ăn. Tử vong có thể xảy ra sau vài phút do ngừng tuần hoàn. Nếu được điều trị sớm và kịp thời sẽ khỏi không để lại di chứng.
Ngay tại nơi nhiễm độc cần đưa bệnh nhân ra chỗ thoáng khí, cho uống than hoạt càng sớm càng tốt. Không gây nôn (trừ khi bệnh nhân đến sớm trước 30 phút sau ăn và không có sẵn than hoạt). Nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Cá nóc chứa nhiều độc tố nguy hiểm.
Ngộ độc cá nóc 
Trong cá nóc có chứa Tetrodotox-in (TTX) là một chất độc thần kinh có vai trò ngăn chặn kênh ion Na+ dẫn tới liệt cơ. Ở Việt Nam, ngộ độc cá nóc thường xảy ra ở những vùng dân cư sinh sống sát biển, tỉ lệ tử vong rất cao. Chất độc tetrodotoxin tập trung ở da, ruột, gan, cơ bụng, tinh hoàn và nhiều nhất ở trứng cá. Vì vậy con cái độc hơn và đặc biệt mùa cá đẻ trứng, ăn cá rất nguy hiểm.

Sau khi ăn cá nóc từ vài phút đến vài giờ sau xuất hiện triệu chứng tê môi, lưỡi, mồm, mặt, mất cảm giác ở đầu ngón tay và chân, đau đầu, đau thượng vị, nôn, tiêu chảy, vã mồ hôi, tăng tiết nước bọt, loạn ngôn, mất phối hợp, khó đi lại, mệt lả, đồng tử giãn, liệt cơ tiến triển, tím, co giật, ngừng hô hấp, hạ huyết áp và hôn mê. Tử vong trong khoảng 4 - 24 giờ sau khi ngộ độc, cao nhất là 6 giờ đầu. Chưa có chất kháng độc đặc hiệu. Ngay tại nhà sau khi có biểu hiện đầu tiên cần cho bệnh nhân uống than hoạt (nếu có) rồi nhanh chóng vận chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất.

Thức ăn nhiễm hóa chất 
Các dẫn chất của phospho hữu cơ: các dẫn chất của nhóm này phong phú và được sử dụng khá phổ biến làm thuốc trừ sâu như diazinon, leptophos, melathion... các chất này tác dụng trên côn trùng hoặc động vật có vú bằng cách tiếp xúc hoặc ăn phải cây cỏ đã được phun hóa chất trên. Thông thường, ngộ độc nặng xảy ra với người bị đầu độc hoặc tự tử, tuy nhiên nếu người bình thường ăn phải số lượng nhiều thực phẩm có nhiễm hóa chất này cũng có thể xuất hiện các biểu hiện ngộ độc cấp

Biểu hiện của hội chứng ức chế thụ cảm thể M - Cholin: trên hệ tiêu hóa gây tăng tiết nước bọt, buồn nôn, nôn đau bụng, tiêu chảy; trên hệ hô hấp gây tăng tiết dịch phế quản, co thắt thanh quản và có thể gây phù phổi cấp; gây chậm nhịp tim, hạ huyết áp; co đồng tử chảy nước mắt, giảm thị lực…

Biểu hiện do ức chế thụ cảm thể N - Cholin: thường xuất hiện khi ngộ độc nặng, biểu hiện mệt mỏi rung cơ, có thể liệt dẫn đến liệt hô hấp, rối loạn nhịp tim có thể trụy mạch ngừng tim. Biểu hiện trên thần kinh trung ương là sự ức chế các trung tâm hô hấp và tuần hoàn, trường hợp ngộ độc nặng sẽ dẫn đến suy hô hấp, suy tuần hoàn và tử vong nhanh.

Ngộ độc do ăn phải thuốc chuột Th uốc chuột cho vào thực phẩm thành bả chuột để diệt chuột, tuy nhiên người có thể bị ngộ độc và chết nhanh nếu ăn phải thuốc chuột có độc lực mạnh. Tai nạn do bị lẫn thuốc chuột vào thức ăn, nhầm lẫn, trẻ em ăn phải bả chuột do người lớn để rơi vãi. Co giật là triệu chứng nặng, tử vong nhanh, nếu không được xử trí cấp cứu, bệnh nhân co giật, co cứng cơ toàn thân, liên tục dễ gây ra suy hô hấp, thiếu oxy và sặc phổi dịch dạ dày. Ngay sau khi phát hiện cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Ngộ độc hàn the: Hàn the, tên hóa dược là borax, là muối natri của acid boric, được sử dụng trong y tế làm chất sát khuẩn nhẹ, không được dùng để uống. Tuy nhiên không biết từ bao giờ, người ta cho hàn the vào bún, bánh phở, bánh đúc, bánh cuốn, bánh đa, thạch, xu xê, giò, chả và nhiều thức ăn khác. Hàn the sẽ tích lũy trong cơ thể, tùy liều lượng có thể gây nên những triệu chứng cấp tính và mạn tính.

Thường gặp là các ca nhiễm độc trường diễn do tích luỹ hàn the qua nhiều lần ăn thực phẩm chứa chất này. Tác hại đặc biệt nghiêm trọng đối với thai nhi và trẻ em. Về thần kinh, hàn the gây kích thích dẫn đến trầm cảm, hoặc kích thích màng não, thay đổi nhiệt độ cơ thể. Với đường niệu, nó gây hư hại đặc biệt cho thận và toàn thân, gây rối loại chức năng, yếu ớt, bất lực, rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc.

Biện pháp xử trí khi bị ngộ độc 
Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc khác nhau, trước khi tìm nguyên nhân để giải quyết triệt để thì vấn đề cấp cứu ngộ độc cấp là vấn đề sống còn, bao gồm ba giải pháp chủ yếu đó là: Điều trị hỗ trợ các chức năng sống chủ yếu của cơ thể: trợ hô hấp, trợ tuần hoàn, chống co giật nếu có, xử trí các biến chứng về tim mạch và huyết áp, chống phù nề não và chống nhiễm độc tại chỗ. Bằng mọi cách làm giảm hấp thu và loại bỏ nhanh các chất độc ra khỏi cơ thể. Các biện pháp làm giảm hấp thu: chủ yếu với ngộ độc đường uống và thường chỉ có hiệu quả trong vòng 30 phút sau khi bệnh nhân ăn hay uống phải chất độc.

Biện pháp đầu tiên là làm rỗng dạ dày bằng cách gây nôn hoặc rửa dạ dày bằng nước muối sinh lý. Ngoài ra có thể dùng chất hấp phụ như than hoạt hoặc dùng các chất tẩy. Việc gây nôn và uống than hoạt là biện pháp đầu tiên và duy nhất có thể tiến hành tại nơi xảy ra ngộ độc. Đẩy nhanh thải trừ các chất độc: đây là việc làm rất cần thiết, tùy theo chất ngộ độc mà có thể sử dụng thuốc lợi tiểu, gây kiềm hóa nước tiểu hoặc acid hóa nước tiểu, làm thay đổi pH nước tiểu, thẩm tách và lọc máu nếu có điều kiện và có chỉ định. Và cuối cùng dùng các chất giải độc đặc hiệu như Naloxon, Physostigmin, EDTA, Deferoxamin hay Dimecarprol tùy theo nguyên nhân gây độc.

Dự phòng thế nào? 
Những cơ sở chế biến thực phẩm phải có chế độ kiểm dịch chặt chẽ, vệ sinh đảm bảo trong quá trình chế biến, bảo quản và vận chuyển. Kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người làm công tác chế biến bảo quản thực phẩm, thức ăn nước uống phải đảm bảo được nấu chín. Tuyên truyền hướng dẫn bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy cách, khi chế biến cần ngâm rửa thực phẩm sạch sẽ. Tuyên truyền vận động không sử dụng các hormon sinh trưởng trong quá trình chăn nuôi động vật, chỉ sử dụng các chất phụ gia đúng trong danh mục và hàm lượng cho phép.
ThS. Nguyễn Bạch Đằng

No comments

Powered by Blogger.