Bệnh phong thấp với tuổi già

Ảnh minh họa
Người cao tuổi (NCT) tạng thận bắt đầu hư suy, nguyên khí từ đó bắt đầu suy giảm. Theo Cảnh Nhạc toàn thư: ”Mệnh môn là gốc của nguyên khí. Âm khí của ngũ tạng không có nó thì không thể tu dưỡng, dương khí của ngũ tạng không có nó thì không thể phát triển…”. Từ đó suy ra thận khí suy giảm làm cho công năng của các tạng phủ suy giảm theo, nhất là tạng can suy giảm rõ rệt. Thiên âm dương ứng tượng đại luận sách Tố Vấn nói: "Thận sinh cốt tủy…can sinh gân" Điều đó, lý giải vì sao NCT gân xương yếu kém, hoạt động không được lanh lợi. Không những thế, khi mệnh môn hỏa suy, hỏa không sinh được thổ khiến cho công năng vận hóa của tỳ không được lưu lợi nên dinh vệ khí huyết không được dồi dào. Vì thế,chức năng vệ khí không được mạnh mẽ, nhanh nhẹn, dẫn đến công năng bảo vệ cơ thể trước ngoại tà bị suy giảm…

Nước ta thuộc xứ nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều, nhiệt độ và độ ẩm lớn lại có mùa đông lạnh. Thời tiết nóng lạnh đột ngột làm cho con người phải thích ứng với hoàn cảnh khắc nghiệt.Vì lẽ đó, tà khí (phong, hàn, thấp) dễ cảm nhiễm vào cơ thể mỗi con người. Đối với NCT nguyên khí hao tổn, vệ khí hư suy, mỗi lần thời tiết thay đổi, nhất là nóng lạnh đột ngột là một lần tà khí có thời cơ xâm nhập vào cơ thể. Nếu còn nông, tà khí làm cản trở đường huyết mạch ngoài bì phu gây nên hiện tượng tê, đau, nhức, mỏi….Khi tà khí lấn sâu vào phần lý làm nghẽn tắc các đường kinh lạc gây nên hiện tượng đau nhức dữ dội, nhất là gân cốt người già vốn đã suy yếu, khi tà khí xâm nhập vào gây nên hiện tượng tê buốt, nhức nhối, vận động khó khăn. Tà khí còn khu trú ở các khớp xương làm cho các khớp sưng, đau, nhức, buốt làm hạn chế cử động. Thậm chí tà khí còn làm nghẽn tắc một đường kinh lạc làm tê bại hoặc teo nhẽo một chi, có khi nhức buốt tới mức nằm ngồi không yên. Trời càng lạnh, tà khí (hàn tà) càng lấn sâu thì càng nhức buốt, tê dại… Dân gian gọi là bệnh Phong tê thấp (thuộc chứng tý của y học cổ truyền). Ở nước ta, đặc biệt là miền Bắc khí hậu khắc nghiệt, có tới 70-80% số người mắc bệnh phong tê thấp ở những mức độ khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là người già.

Càng già, chính khí càng hư yếu,bệnh càng trầm trọng khó chữa trị.
Trước thực tế trên, phương thuốc trị bệnh phong tê thấp trên cơ sở biện chứng luận trị: Do tà khí (phong, hàn, thấp) xâm nhập vào cơ thể gây nên bệnh, trước hết phải xua đuổi tà khí, đồng thời bồi bổ khí huyết nhằm phục hồi chính khí góp phần xua đuổi tà. Ngoài ra còn bồi bổ can, thận để phục hồi chức năng của gân cốt làm cho người bệnh nhanh chóng bình phục sức khỏe. Việc bồi bổ chính khí còn hỗ trợ công năng điều đạt của vệ khí trước ngoại tà. Đó là phép “Công bổ cùng dùng” và “ Tiêu bản đồng trị”

Phương dược:
Thương nhĩ tử 14g; khương hoạt 6g; Tất bát 12g; Tục đoạn 12g; Phòng phong 12g ; Độc hoạt 6g ; Cẩu tích 14g; Đương quy (tẩm rượu)14g; Hoàng kỳ (tẩm mật)14g; Hà thủ ô 14g; Cam thảo 4g; Đại táo 3 quả. Sắc ngày 1 thang, uống 3 lần (ba lần đun, ba lần uống). Uống cách xa bữa ăn 30 phút.
Kiêng: Rau muống, đỗ xanh còn nguyên vỏ, thịt gà, cá chép, cá quả, ếch, ba ba và các chất tổn hại chính khí như cà phê, thuốc lá.
Phương dược này chúng tôi đã vận dụng chữa trị phong tê thấp, giúp nhiều người qua khỏi

Ý nghĩa phương dược:
Phương dược dùng các vị tân ôn: Thương nhĩ tử, phòng phong, tất bát, khương hoạt, độc hoạt để khu phong, tán hàn, táo thấp cùng các vị:Cẩu tích, tục đoạn, Hà thủ ô bồi bổ can thận làm mạnh gân xương. Hoàng kỳ, Đương quy bổ khí, dưỡng huyết làm cho khí huyết dồi dào, chính khí hưng thịnh. Ngoài ra, phương dược còn dùng cam thảo, đại táo vừa dẫn dược vừa bồi bổ chính khí. Trong phương các vị dược được phối ngũ chặt chẽ, đồng bộ, hài hòa. Cùng với việc xua đuổi tà khí còn bồi bổ chính khí là phương thức phối ngũ dựa trên nguyên tắc “Nhân cường tật nhược” làm cho phương thuốc thêm hiệu nghiệm.
L.Y Nguyễn văn Hiếu

No comments

Powered by Blogger.