Báo động bệnh loãng xương!

Theo số liệu của Tổ chức chống loãng xương Quốc tế(IOF), Loãng xương là nguyên nhân đứng hàng thứ hai gây nên bệnh tật, chỉ sau bệnh tim mạch.

Trên Thế giới thì cứ 3 phụ nữ có một người bị loãng xương. Ở nam giới tỷ lệ này là 1/5. Riêng tại Việt Nam, theo số liệu khảo sát bước đầu của viện Dinh Dưỡng, bệnh loãng xương ảnh hưởng tới 1/3 phụ nữ và 1/8 đàn ông trên 50 tưổi. Ước tính có khoảng 2,5 triệu người bị loãng xương và có trên 150.000 trường hợp bị gãy xương do loãng xương. Trên toàn thế giới có 6,3 triệu trường hợp gãy cổ xương đùi do loãng xương và Châu Á chiếm 51% .Trong khi đó khẩu phần ăn của người Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu hạn chế loãng xương. Lượng calci đưa vào cơ thể trung bình là 524mg/ngày,thấp hơn nhiều so với nhu cầu trung bình 800-1000mg/người/ngày đối với người lớn.

Bệnh thường được phát hiện muộn
Xương là một mô sống, luôn thay đổi và tái tạo thông qua chu chuyển xương. Hoạt động này được điều hòa chủ yếu nhờ hai loại tế bào chính: tế bào sinh xương và tế bào hủy xương. Ở tuổi trẻ (dưới25 tuổi), hoạt động của các tế bào sinh xương sẽ trội hơn các tế bào hủy xương.Từ tuổi 40 trở đi, hoạt động của các tế bào hủy xương sẽ trội hơn các tế bào sinh xương. Khối lượng khoáng chất của bộ xương sẽ giảm dần theo tuổi với tốc độ mất xương từ 0,5 – 1% mỗi năm. Riêng ở phụ nữ sau khi mãn kinh, tốc độ mất xương sẽ nhanh hơn hẳn nam giới cùng độ tuổi (2-4% khối lượng xương trong 5-10 năm đầu của thời kỳ mãn kinh).
Tất cả chúng ta, đến lúc có tuổi (trên 65 tuổi) ai cũng bị loãng xương. Đây là hiện tượng loãng xương tiên phát thường xuất hiện trễ, diễn biến chậm, tăng từ từ và ít có biến chứng nặng nề.Trong khi đó, nếu quá trình loãng xương xẩy ra sớm hơn gây nhiều hậu quả nặng nề hơn khi có thêm một số yếu tố nguy cơ: thiếu calci, vitamin D, bị bất động lâu ngày do bệnh tật (chấn thương cột sống), do nghề nghiệp (nhà du hành vũ trụ),bị một số bệnh nội tiết, thiểu năng các tuyến sinh dục, suy thận mạn tính phải chạy thận nhân tạo lâu ngày, mắc các bệnh xương khớp mạn tính khác và đặc biệt là sử dụng nhóm corticosteroid….

Loãng xương là tình trạng mật độ calci và khoáng chất trong xương suy giảm, làm cho xương trở nên giòn, xốp, dẫn đến nguy cơ gãy xương tăng cao. Hay loãng xương có nghĩa”xương xốp” xuất hiện, khi lớp vỏ ngoài xương bị mỏng đi và giòn, lớp bè xương bị thương tổn. Loãng xương đến từ từ và thầm lặng, người bị loãng xương thường không biết mình bị bệnh. Người ta mệnh danh loãng xương là kẻ cắp thầm lặng, từng chút một, đánh cắp đi các chất khoáng trong ngân hàng xương của cơ thể. Thông thường manh mối đầu tiên dẫn tới loãng xương là khi xuất hiện gãy xương. Gãy xương chính là ”đột quỵ” của loãng xương. Những người bị loãng xương có nguy cơ gãy xương tăng gấp 3-5 lần người không bị loãng xương. Một yếu tố quan trọng khác là tiền sử gãy xương. Một khi bệnh nhân gãy xương nguy cơ gãy lần thứ hai gia tăng 2,5 lần so với nguy cơ trung bình trong dân số. Hậu quả của loãng xương thường rất nặng nề. Thông thường, bệnh chỉ được phát hiện từ một ca chấn thương nhẹ ở hệ xương, một cú ngã từ thể đứng, trượt chân trong phòng tắm, bước hụt cầu thang… làm gãy xương cổ tay, gãy xương cẳng chân, dồn cột sống…Gãy xương khi bị những chấn thương nhẹ này là hậu quả cuối cùng của bệnh loãng xương, thường gặp ở các vị trí chịu lực cao của cơ thể như cột sống thắt lưng và cổ xương đùi.

Ở người cao tuổi thường có bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, bệnh tim mạch vành, đái tháo đường…Đặc biệt với tình trạng loãng xương nặng sẵn có (thiếu khoáng chất và protein của xương) thì việc liền xương thường rất khó và lâu.Đa số người bệnh phải nằm tại chỗ hoặc thậm chí phải điều trị dài ngày trong bệnh viện. Điều này không những làm tình trạng loãng xương càng nặng thêm mà còn kéo theo nhiều nguy cơ rất bất lợi cho sức khỏe như bội nhiễm đường hô hấp,đường tiết niệu, loét mục ở các nơi tì đè… Đây cũng là nguyên nhân chính gây nên tàn phế và giảm tuổi thọ cho người mắc bệnh.
Theo thống kê ở các nước phát triển, gần 21% người có tuổi bị gãy cổ xương đùi sẽ tử vong trong vòng 6 tháng đầu do các biến chứng bởi nằm lâu nêu trên. 20%người bệnh phải có người trợ giúp trong suốt cuộc đời còn lại, 30% người tàn phế phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. Chỉ có 30% có thể trở lại được cuộc sống bình thường, nhưng lúc nào cũng bị nguy cơ tái gẫy xương “rình rập”.

Phòng ngừa loãng xương là thuốc chữa tốt nhất
Loãng xương là một trong những chứng bệnh mạn tính tiêu tốn nhiều tiền nhất.Chi phí điều trị bệnh loãng xương tương đương với bệnh đái tháo đường và cao hơn nhiều so với hai căn bệnh ung thư ở phụ nữ là ung thư vú và ung thư cổ tử cung cộng lại. Ước tính tới năm 2050, thế giới có thể phải tốn tới 131,5 tỷ USD để chữa trị những trường hợp chấn thương liên quan đến loãng xương . Điều trị loãng xương không biến chứng chiếm 50% thu nhập bình thường của người Việt Nam, nên hầu hết người Việt Nam không có đủ khả năng để theo đuổi quá trình điều trị lâu dài hết năm này qua năm khác. Các chuyên gia cho rằng phòng chống loãng xương: là thuốc tốt nhất. Duy trì hệ xương chắc khỏe chỉ cần 4 bước đơn giản:
- Cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho xương hàng ngày, nhất là calci.
- thường xuyên tập thể dục,vận động,
- Không hút thuốc.Tránh sử dụng quá nhiều chất có cồn và caffeine.
- Đo mật độ xương định kỳ để kiểm tra sức khỏe của xương.
Đồng thời,người bệnh phải kiểm tra xương ngay khi có các triệu chứng như :đau nhức mơ hồ ở cột sống, đau dọc xương dài, đau mỏi cơ bắp, ớn lạnh, chuột rút (vọp bể) các cơ, đau khi ngồi lâu hay đổi tư thế, đầy bụng, chậm tiêu hay nặng ngực khó thở.
GS-TS Phạm Minh Khôi

No comments

Powered by Blogger.