Hồng hoa và hoa hồng

Hồng hoa và hoa hồng là hai cây khác nhau, Hồng hoa là Carthamus tinctorius thuộc học cúc còn Hoa hồng là Rosachinensis thuộc họ Hoa hồng.
Hồng hoa
Là cây thảo cao khoảng 1m, cụm hoa mầu đỏ cam đẹp, mùa ra hoa vào tháng 5 đến tháng 7, hái hoa đúng vào lúc  hoa có màu hồng cho nhiều hoạt chất, phơi khô trong mát để dùng. Trong hồng hoa có chứa một sắc tố mầu hồng gọi là Carthamin, ngoài ra còn chứa một sắc tố màu vàng . Theo các y văn cổ: Sách bản thảo thông nguyên ghi: Hồng hoa tiêu ứ, tán thũng, sản hậu huyết trệ và sổ thai chết lưu trong bụng. Sách Chu Đan Khê đời Nguyên ghi: Hồng hoa dùng nhiều thì tán huyết, dùng ít thì nuôi huyết. Sách Mâu Hy Ung ghi: Hồng hoa là yếu dược hành huyết, huyết xấu ra hết thì các chứng cấm khẩu, đau bụng khỏi cả, tử thai trong bụng cũng theo ra. Sách Thạch Ngoan ghi: Hồng hoa giải nọc độc, tán huyết ứ nên hòa đồng tiện mà dùng thì hơn nhưng dùng nhiều quá thì huyết ra nhiều có hại.Tóm lại:theo đông y hồng hoa có tác dụng phá huyết xấu, sinh huyết mới, chữa kinh nguyệt bế tác, thông kinh, mất kinh, sản hậu ứ huyết, sổ thai chết lưu, khí hư, viêm tử cung, viêm buồng trứng còn dùng chữa viêm phổi, viêm dạ dày, tổn thương do đòn, ngã, hay bị đánh ứ huyết sưng đau. Còn có tác dụng tẩy, giải nhiệt và ra mồ hôi. Ở Ấn Độ hồng hoa được dùng làm thuốc an thần và điều kinh cũng dùng để chữa sởi, vàng da.

Phàm không phải ứ trệ và phụ nữ có thai chớ dùng.  Liều dùng trung bình mỗi ngày 3-8g, dưới dạng thuốc sắc hay thuốc ngâm rượu. Ngoài tác dụng làm thuốc hồng hoa còn được dùng để nhuộm tơ, lụa và thực phẩm có mầu đỏ đẹp, không độc.
Đơn thuốc có hồng hoa:
1/ Tứ vật đào hồng: Xuyên khung 6g, đương quy 12g, thục địa 24g, bạch thược 12g, đào nhân 6g, hồng hoa 6g sắc uống ngày 1 thang. Thuốc có tác dụng phá huyết, hành ứ, chữa có kinh nguyệt bế tắc, sản hậu ứ huyết.
2/ Chữa bệnh nhiệt thai chết lưu trong bụng: dùng hồng hoa nấu với nước giếng trong, hòa với đồng tiên, uống kiến hiệu ngay.
3/ Chữa sản hậu huyết vựng, trong lòng buồn bực: dùng hồng hoa 40g, tán nhỏ , rượu hai chén sắc chia hai lần uống, nếu cấm khẩu thì cậy răng cho uống.
4/Chữa các chứng phong: dùng hồng hoa 40g, rượu 1 bát to, sắc còn một nửa uống làm hai lần, nếu chưa khỏi lại làm thêm một liều nữa.
5/ chữa chứng hầu tê (nghẹn cổ) dùng hồng hoa tươi giã vắt lưng bát nước uống thấy khỏi thì thôi.
6/ chữa sau khi đẻ máu xấu không ra, đau bụng bị ngất mê man, phụ nữ kinh bế lâu ngày, huyết tích thành hòn: hồng hoa, tô mộc, nghệ đen đều 8g sắc rồi cho thêm một chén rượu vào uống
7/ phòng và chống bệnh ban, sởi: hạt hồng hoa 3 đến 5 hạt nhai chiêu nước uống. 

Hoa Hồng

Cây hoa hồng ra hoa quanh năm, chủ yếu  từ tháng 5 đến tháng 9; hoa có màu sắc thay đổi, từ trắng, hồng, đến đỏ có mùi thơm dễ chịu, trồng làm cảnh, hoa đẹp. Trong hoa có tinh dầu mà thành phần chủ yếu là citronellol, geraniol, phelenthyl alcol và stearoptenes . Hoa có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng hoạt huyết, điều kinh, tiêu viêm, tiêu sưng.

Công dụng: Hoa dùng chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, đinh nhọt, viêm mủ da, lao cổ và bệnh bạch hầu. Liều dùng 6-10g hãm uống hoặc tán bột uống. Bột hoa hồng còn dùng cầm máu, chữa băng huyết, tiêu chảy, dùng cản thận trong trường hợp tiêu hóa khó khăn. Rễ hoa hồng chữa đòn ngã, tổn thương, bạch đới, di tinh, dùng 10-15g, dạng thuốc sắc, cũng dùng hoa tươi và lá giã đắp đòn ngã, tổn thương. Người có thai không dùng được.

Bài thuốc có hoa hồng:
1/ Kinh nguyệt không đều, đau bụng: hoa hồng, ích mẫu mỗi vị 10g, sắc uống.
2/ Lao hạch: hoa hồng 9g, hạ khô thảo 15g sắc uống.
3/ Ho trẻ em: hoa hồng bạch hấp với đường phèn cho uống ít một.
BS Nguyễn Đức Minh

No comments

Powered by Blogger.