Đông y chữa bệnh ở xương như thế nào?

Xương là một tổ chức quan trọng.Cơ thể ta có khoảng 365 xương lớn nhỏ, nối giữa 2 xương là khớp xương. Cơ bám vào các đầu xương, thông qua hệ thống khớp dưới sự chỉ đạo của thần kinh mà cơ thể hoạt động linh hoạt, di chuyển và lao động dễ dàng, nhờ khung xương mà cơ thể có hình dáng nhất định.


Cấu tạo của xương: Ngoài có màng xương, trong có xương, giữa xương là tủy xương. Tủy xương là một tổ chức đặc biệt trong đó có hệ thống thần kinh mà mạch máu, hệ thống tủy trong xương là để nuôi dưỡng và tái tạo xương. Tủy xương còn tham gia tạo tế bào máu( hồng cầu, bạch cầu, và tiểu cầu), qua đó ta thấy hệ xương khớp rất quan trọng đối với cơ thể.
Thành phần cấu tạo chính của xương là canxi và photpho. Nhưng để giúp cho xương tốt không bị loãng, xương chắc khỏe thì phải đảm bảo tỷ lệ canxi / photpho = 1,5. Nói đến tỷ lệ Ca/P=1,5 là nói đến vai trò của Thận. Thận giúp quá trình đào thải và tái hấp thu các thành phần trong máu trong đó có canxi và photpho. Thận khỏe làm việc tốt thì xương tốt, nghĩa là giữ cân bằng được tỷ lệ các thành phần cấu tạo xương trong đó có Ca và P.
Cách đây hàng ngàn năm người Trung Hoa đã phát hiện ra cấu tạo của cơ thể là Lục phủ, ngũ tạng. Ngũ tạng là Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận. Trong đó tạng thận có liên quan rất nhiều đến cấu tạo và bệnh lý của xương.
Người thầy thuốc Trung hoa phát hiện chức năng của tạng Thận là Thận chủ cốt (Xương tủy), nghĩa là mọi chuyện liên quan đến xương cần phải tìm nguyên nhân ở thận.
Thí dụ: Trẻ em chậm liền thóp, chậm biết đi. Người lớn đau nhức xương, đau lưng, đau cổ hoặc xương dẽ gẫy(loãng xương) đều phải chữa vào thận.
Nên người xưa đã tìm ra rất nhiều vị thuốc chữa bệnh về xương – xây dựng thành các bài thuốc để chữa bệnh ở thận – Trên cơ sở các vị thuốc, các bài thuốc có sẵn, thày thuốc Đông y khám bệnh tỷ mỉ rồi thêm hoặc bớt các vị cho phù hợp với thực tế bệnh lý của từng người bệnh.
Thí dụ: Để phòng trẻ còi xương , chậm mọc răng, chậm liền khớp, có thể dùng bài lục vị.
Thành phần bài lục vị:
Thục địa                 Đan bì
Hoài Sơn                Bạch linh
Sơn thù                  Trạch tả.
Nếu người thanh niên trung niên đau nhức xương, cảm giác nóng mỏi trong xương có thể dùng bài Lục vị trên, thêm các vị Đương quy, Xích thược( Gọi là Lục vị quy thược).
Nếu người già đau lưng mỏi gối có thể dùng bài Lục vị thêm:
Đỗ trọng             Cẩu tích
Ba kích                   Ngưu tất. Hoặc nhục quế, phụ tử.
Nếu cảm thấy nóng nhức trong xương, đau lan xuống chân đau lan ra tay thì chú ý dùng bài Lục vị cho Thục địa liều cao là 16-20 hay 30g, Đan bì 12g, thêm Độc hoạt hoặc Khương hoạt, Phòng phong, Quế chi.
Nếu bị gãy xương, sau khi đã nắn bó đúng trục, cố định tốt, cho uống thuốc sẽ chóng liền xương. Các vị thuốc bó xương theo kinh nghiệm dân gian, có thể dùng gà con làm sạch giã nát với cơm nếp để bó.
Các vị thuốc như: Tục đoạn, dây đau xương, cúc tần, quế chi, Rau rệu, địa liền, xuyên khung, bạch chỉ, kê huyết đằng... giã nát để bó.
Có thể sắc uống cùng bài Lục vị. Liều lượng trong bài lục vị phải tuỳ tuổi mà điều chỉnh, tùy tuổi có thể dùng trung bình từ 4-12g. Thục địa, Hoài sơn dùng 12g thì Sơn thù dùng 8g, Đan bì 6g, Bạch linh, trạch tả 4-6g. Những người có sưng khớp thì liều Bạch linh, Trạch tả có thể dùng tăng tới 8 hoặc 12g. Các vị thuốc khác liều thường dùng là 1-4 đồng cân nghĩa là tương đương 4-12g, nhưng người thày thuốc phải linh hoạt vận dụng cho từng người bệnh cụ thể.
Việc phối hợp vị thuốc và liều lượng từng vị cũng thể hiện kinh nghiệm và tài ba của ngươi thầy thuốc, điều này chúng tôi muốn lưu ý người dùng thuốc, đọc sách báo thấy giới thiệu bài thuốc hay vị thuốc là để tham khảo đừng vội áp dụng máy móc hiệu quả sẽ hạn chế.n

GS.TS. Dương Trọng Hiếu

No comments

Powered by Blogger.